ĐẤNG TÔI TỚ CHÚA PHÊ RÔ NGUYỄN ĐỨC CẢNH.
Ông Phê rô Nguyễn Đức Cảnh sinh năm Nhâm thân 1812, tại xã Báo Đáp, tổng Hư Tả, huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Định,
Thân Phụ ông là Lui Nguyễn Đức Thịnh.
Ông kết duyên cùng bà Maria Nga sinh hạ được một người con trai là Đa minh Giới.
Xã Báo Đáp bấy giờ ruộng nương ít, nhưng lại có nghề dệt nhuộm nên bầu khí trong làng cũng sầm uất. Người đàn ông thường đi bán vải rồi mua củ nâu và sợi về, thời đó dân làng thường nhuộm vải bằng phương pháp thủ công là dùng lá bàng, lá sòi và củ nâu, nhưng do có kinh nghiệm nên vải Báo Đáp rất nổi tiếng. Khắp làng, tiếng thoi đưa rộn rã, người người vui thú làm ăn. Ngày ngày ông Cảnh gánh mấy tấm hàng đi bán ở các chợ quanh vùng. Bà ở nhà dệt, có lúc mua thêm vài tấm vải của dân làng, rồi cùng với con, nhuộm các màu để ông về. Cuộc sống tuy lần hồi vất vả, nhưng cả nhà đều siêng năng đạo đức. Ông thường khuyên bảo vợ con:
- Phải sống ngay chính, dù nghèo vẫn không được gian dối, phải buôn ngay bán thật để kiếm sống, phải coi trọng phúc Thiên đàng như Chúa dậy: Dù lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì.
Cuộc sống thanh bình cứ êm ả trôi, nhưng rồi sự khó đã đến cho dân làng.
Tờ mờ sáng ngày 2 tháng 8 năm Tân đậu 1861, như lệ thường, ông quẩy gánh hàng đi bán, vừa tới cổng làng thì bị lính giữ lại, chẳng hỏi han gì, quân lính thu gánh hàng và trói giải ông đến nhà lý trưởng, ở đây ông được gặp vợ con. Sau đó ông phải giải lên tỉnh. Trước lúc chia tay ông dặn:
- Con ở nhà dù khó khăn đến mấy cũng phải chăm sóc mẹ cho chu đáo. Hằng ngày hai mẹ con nhớ cầu nguyện cho bố, xin Chúa thêm sức để bố được chịu khó cho nên.
Ngày 3 tháng 8 năm Tân dậu 1861, Phê rô Cảnh phải phân sáp tại xã Hoàng Xá, tổng Phú Khê, huyện Ý An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Ông hiền hoà, lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, cả trại giam ai cũng yêu kính, ông dậy người trẻ đọc kinh lần hạt và giúp đỡ người tuổi cao sức yếu, ông thường nói với họ:
- Hễ phải đi điểm thì đừng bán linh hồn mà quá khoá nhé.
Ngày 15 tháng 8 năm Nhâm tuất 1862 cũng là năm thứ 15 đời vua Tự Đức. Phê rô Nguyễn Đức Cảnh bị điệu đến trước cửa huyện Ý An. Thấy ông, quan liền nói:
- Đạo Gia Tô là tả đạo, ông là người biết đây biết đó, thì phải biết thời biết thế, sao còn u mê như thế, ông bỏ đạo Gia Tô đi để làm gương cho kẻ khác, ta sẽ cho về và trọng thưởng.
Ông thưa lại rằng:
-Thưa quan, Thiên Chúa là Đấng ngay thật, không thể mặc cả như vậy được, dù quan ban thưởng đến bao nhiêu, thì tôi cũng không chối bỏ Chúa tôi đâu.
Quan thấy thế thì giận lắm, liền quát lý hình chém ngay tại chỗ. Ông chỉ còn kịp quỳ xuống và kêu lớn tiếng:
- Con xin phó linh hồn trong tay Chúa!
Máu người anh hùng đã đổ ra. Phê rô Nguyễn Đức Cảnh đến chết vẫn ngay thẳng, vẫn không vì lời lãi thế gian mà lỗ vốn phần hồn. Thật đúng như ông vẫn hằng tâm nguyện.
Xác ông được con là Đaminh Giới chôn gần nơi xử. Đến ngày 2 tháng 11 năm Bính Dần 1866, bà Cảnh cùng con trai vào Ý An cải táng và rước hài cốt ông về quê. Cha Đaminh Kiên đã lập tờ chứng và cho an táng tại gian thứ ba nhà thờ Đức Bà Rosa Báo Đáp.
Năm 1866, Đức cha Barnaba Cezom Khang, Giám mục địa phận Trung đã lập hồ sơ án tích đệ về toà thánh. Hồ sơ đã được bộ phong thánh tra xét tit mỉ, bộ Phong Thánh đã ghi danh và tuyên phong Phêrô Nguyễn Đức Cảnh lên hàng tôi tớ Chúa (Servus Dei) là một trong bốn bậc của một vị thánh. Năm Đinh Tỵ 1917, Cha Eugienio Andres Kiên cùng cộng đoàn di táng hài cốt ông cùng 4 vị tử đạo về an táng tại mộ các thánh trong khuôn viên nhà thờ Mình Thánh nay là Đền Thánh Thánh Thể Báo Đáp.
Tác giả: Ban Truyền Thông
Nguồn tin: Kỉ yếu Báo Đáp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn