ĐÁNG TÔI TỚ CHÚA ĐAMINH NGUỄN VĂN LUẬT.
Ông Đaminh Luật sinh năm Mậu tuất 1838, tại Hóp Trung, xã Báo Đáp, tổng Hư Tả, huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Định. Nay là xóm 9, làng Báo Đáp xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
Phụ mẫu ông là là Phê rô Nguyễn Văn Bá và Rosa Huệ, ngoài 22 tuổi ông mới kết duyên cùng cô Maria Gái, ông có người em gái là Rosa Nghĩa.
Kinh tế gia đình có phần thiếu thốn vì phải thuốc thang cho bố mẹ già yếu. Gia đình năm miệng ăn trông cậy cả vào ông, vốn liếng ít, nhưng ông cũng cố gắng mua thêm sợi và vải để vợ con dệt nhuộm. Ông chịu khó gánh hàng đi các chợ xa để bán được đắt hơn. Những hôm không đi bán hàng, ông thuờng đi làm thuê cho người trong làng để kiếm thêm.
Vốn là người khoẻ mạnh, cho dù suốt ngày đầu tắt mật tối, nhưng ông luôn vui vẻ tươi tắn. Suốt đời ông sống ngay lành Thánh thiện, chẳng bao giờ phàn nàn oán trách ai. Những lúc bụng đói mà phải gánh hàng đi, cả nhà bố mẹ, vợ và em tần ngần nhìn theo mà xót xa. . Thấy vậy ông nhoẻn miệng cười và nói:
- Chúa định cho nhà ta ở vào hoàn cảnh khó khăn. Phải bằng lòng thì mới được phúc chứ. Cứ làm đủ việc bậc mình, còn mọi sự phó mặc cho Chúa.
Ngày 2 tháng 8 năm Tân dậu 1861, ông đang cùng cả nhà đọc kinh sáng thì lính ập đến bắt ông giải đến nhà lý trưởng, sau đó ông lại phải giải nên tỉnh, lúc này ông được gặp vợ và em gái . Nước mắt của người vợ mới cưới, của người em gái gầy gò làm cho lòng ông tê tái. Ông phải cố trấn tĩnh an ủi:
- Thôi, nín đi! Hai chị em cố gắng thay anh chăm sóc bố mẹ, nhớ cầu nguyện nhiều cho anh.
Ngày 3 tháng 8 năm Tân dậu 1861, Đaminh Luật phải đi phân sáp(1) tại xã An Tố, Tổng An Cừ, Phủ Nghĩa Hưng, huyện Ý An. Trong trại giam, ông thường chăm sóc những bệnh nhân.
Ông chẳng quản đói rét, chẳng quản bẩn thỉu, thay áo thay quần cho họ. Cai ngục thấy ông đạo hạnh,thương người nên cũng có cảm tình, để mặc ông đi lại làm việc lành phúc đức.
Rất nhớ nhà, nhưng ông thường nhắn người về bảo vợ và em gái, không phải lên thăm và không phải lo gì cho ông, vì ông rất hiểu sự khó khăn ở nhà. Trong 10 tháng ở An Tố, ông không phải chuyển đi đâu và cũng không phải tra khảo gì.
Ngày 11 tháng 5 năm Nhâm tuất 1862 cũng là năm thứ 15 đời vua Tự Đức. Quân lính điệu ông ra trước cửa huyện Ý An. Quan huyện hỏi ông:
- Này anh Luật, bố mẹ thì già yếu, em dại, vợ mới cưới. Quá khoá đi rồi về mà phụng dưỡng cha mẹ, vui vầy hạnh phúc.
Ông thưa laị:
- Thưa quan, quan tha thì tôi được sống, quan chẳng tha thì tôi chịu chết. Tôi không bao giờ quá khoá chối bỏ Chúa tôi đâu!
Quân lính lại đưa ông về trại giam.
Ngày 19 tháng 5 năm Nhâm tuất 1862, quân lính điệu ông đi xử. Ông hớn hở vui mừng vì sắp được về với Chúa.
Đến bãi sông Cổ Đam, ông quì xuống cầu nguyện:
- Con xin dâng linh hồn con trong tay Chúa...
Vừa lúc lý hình hạ đao.
Cả cuộc đời 24 năm trên trần thế, ông đã giao phó cho Chúa, giọt mấu cuối cùng ông cũng không quên dâng lên Ngài.
Ôi! Đơn sơ,mạnh mẽ, hào hùng, đáng kính biết bao!
Xác ông được mẹ và em gái chôn tại bãi sông Cổ Đam.
Đến ngày 29 tháng 9 năm Bính dần 1866, ông Phê rô Bá và em gái là Rosa Nghĩa vào Ý An cải táng và rước hài cốt ông về quê. Cha Đaminh Kiên đã lập tờ chứng và cho an táng tại nhà thờ họ Kính Danh.
Năm 1866, Đức cha Barnaba Cezom Khang, Giám mục địa phận Trung đã lập hồ sơ án tích đệ về Toà Thánh. Hồ sơ đã được bộ Phong Thánh tra xét tỉ mỉ, bộ Phong Thánh đã ghi danh và tuyên phong Đaminh Nguyễn Văn Luật lên hàng Tôi tớ Chúa (Servus Dei) là một trong bốn bậc của một vị Thánh
Hài cốt vị Anh hùng Tử Đạo Đaminh Nguễn Văn Luật hiện được an táng tại đầu nhà thờ Giáo họ Kính Danh, Giáo Xứ Đền Thánh Báo Đáp.
Trích lục hồ sơ án tích của Đấng Tôi tớ Chúa Đaminh Nguyễn Văn Luật .
Hiện đang lưu giữ tại Toà Giám mục Bùi Chu và Bộ Phong Thánh, Toà Thánh Rôma.
Tác giả: Ban Truyền Thông
Nguồn tin: Kỉ yếu Báo Đáp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn