ĐẤNG TÔI TỚ CHÚA PHÊ RÔ LÊ THẾ TỊCH

Thứ ba - 25/02/2025 23:21
“ Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” ( Tv.125,5-6. ) I.TRUYỆN CÁC ĐẤNG TỬ ĐẠO LÀNG BÁO ĐÁP. An tôn Vũ Minh Yến Biên soạn (Viết theo “Hồ sơ án tích các đấng Tử đạo Bùi Chu.” )
TU DAO
TU DAO

Phê rô Lê Thế Tịch sinh năm 1808. Tại Hóp Đông, xã Báo Đáp tổng Hư Tả, huyện Thượng Nguyên phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Định. Nay là xóm 3 làng Báo Đáp xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Thân phụ ông  là Giuse Lê Thế Vĩnh, thân mẫu ông là Maria Nguyễn Thị Phượng, ông kết duyên cùng  Maria Nguyễn Thị Thoa sinh hạ ba người con trai là: Phê rô Lê Văn Hịch, Phê rô Lê Văn Kình, Phê rô Lê Văn Thận và một con gái là Ine Lê Thị Mịch.

Gia tư ông cũng  thường thường bậc trung, với hơn mẫu tư điền, ông chăm chỉ việc ruộng đồng, bà làm thêm cửi vải, nên kinh tế gia đình cũng tạm đủ. Ban ngày, người làm việc, kẻ đi học, tối đến cả nhà quây quần trước bàn thờ cùng nhau đọc kinh nguyện ngắm. Bấy giờ sự đạo ngày một khó khăn, các linh mục thì bị truy lùng gắt gao. Gia phả ngành năm họ Vũ Báo Đáp có ghi: “ Cụ Rụ đang sửa soạn cho lễ, thì phó tổng tên là Tràng vào bắt Cụ nộp quan, dân làng ra đánh tháo được, sau cụ đi xứ.” Ngoài xã hội thì đen tối như vậy, trong gia đình thì bà Tịch ốm nặng rồi qua đời. Dù ở vào cảnh gà trống nuôi con, ông vẫn vững vàng, ông thường khuyên các con:

- Hãy chăm chỉ cầu nguyện, và giữ vững Đức Tin.

Trong cuộc vây lùng của quan quân tại xã Báo Đáp ngày 2 tháng 8 năm Tân dậu 1861, gần 200 người bị bắt, trong đó có ba bố con ông Phê rô Tịch.

Trước lúc bị giải lên quan thượng, vì thương con gái và con trai nhỏ, Ông mạnh dạn thưa với quan rằng:

- Xin quan lớn xét, hôm nay cả ba bố con bị bắt đi, tôi không giám ta thán điều gì, nhưng còn đứa con trai và con gái nhỏ ở nhà, không biết ăn, ở ra sao? Vậy xin quan thương cho thằng trai cả là Hịch được tại ngoại.

Quan không nỡ làm nặng, nên chỉ bắt ông và người con trai thứ hai là Lê Văn Kình. Lúc chia tay, ông cố kìm nước mắt nói với người thân:

  • Xin cầu cho bố con tôi bền vững đến cùng.

Ngày 3 tháng 8 năm Tân dậu 1861, tất cả những người bị bắt đều phải đi phân sáp. Ông cùng con trai cũng mỗi người mỗi nơi.Tuy trong lòng đau đớn, nhưng sợ con ngã lòng, ông ân cần dặn con:

- Phải vững nhân Đức Tin, chết thì thôi con nhé.

Chia tay con, ông phải phân sáp bốn tháng tại xã Chế Hương, tổng Hải Nại, phủ Nghĩa Hưng, huyện Ý An ( Ý Yên),  tỉnh Nam Định. Sau phải chuyển đến xã Quang Điểm, tổng Phú Khê cùng huyện. Vốn siêng năng đạo đức, trong nhà giam ông luôn đọc kinh nguyện ngắm, nhiều lần ông còn xướng kinh to tiếng để những người xung quanh hợp ý cầu nguyện.

Quan huyện Ý An bấy giờ, tuy phải tuân theo phép vua cầm giữ những người có đạo nhưng khá hơn các quan huyện khác, nên tù nhân ở huyện này ít phải tra khảo. Một lần con gái ông lên thăm . Để được vào, quan bắt cô phải nói:

- Bố ơi! con nhớ bố lắm, hay là bố quá khoá đi mà về với con.

Ông nghe thấy vậy thì không bằng lòng bảo:

-  Con không được dại dột mà nói như vậy.

Rồi rân rấn nước mắt, ông than thở:

- Chúa ơi! Xin thương xót  và giúp đỡ con.

Nói xong, ông đi vào, không gặp con gái nữa.

Ngày 11 tháng 5 năm Nhâm tuất 1862. quân lính điệu ông ra trước cửa huyện Ý An, ở đó ông được gặp con trai. Hai bố con mừng mừng tủi tủi, chưa kịp nói gì thì quan đã giục quá khoá, ông lấy lại bình tĩnh rồi dắt con đến gần mô hình Thập Giá, hai bố con quỳ xuống vừa lạy vừa nói:

- Lạy Chúa trời đất, dù chết chúng con cũng không xúc phạm đến Thánh Danh Người.

Quan liền nghị án: Chém đầu hai bố con. Khi đã nghe tuyên xử, hai bố con người nào cũng xin được chết trước 

Thấy thế, quan sai giải ông về trại giam rồi xử Phê rô Kình trước. Trên đường về trại giam, ông luôn cám ơn Chúa và vui mừng cùng yên trí lắm, vì biết chắc con ông sẽ được phúc Tử Đạo.

Hôm sau, ngày 12 tháng 5 năm Nhâm tuất 1862, cũng là năm thứ 15 đời Vua Tự Đức, quân lính điệu ông đi xử tại cửa huyện Ý An. Đến nơi, thấy mô hình Thập Giá, ông quỳ xuống hôn kính, miệng lầm rầm đọc kinh, vừa đến câu:

- Lạy Chúa! Con xin phó dâng linh hồn và xác…Thì ngọn đao của lý hình chém xuống.

Lúc này, ông Phê rô Tịch 54 tuổi. Máu ông đã đổ ra vì Chúa. Những người quanh đấy đổ xô vào thấm máu của ông, thấm lấy dòng máu anh hùng để mà tôn quý, để mà noi theo tấm gương: coi thường sự sống đời này, quyết dâng mạng sống để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.

Xác ông được chôn cất gần đấy. Ngày 2 tháng 11 năm Bính dần 1866, ông Lê Văn Hịch và ông Lê Văn Thận cùng con cháu họ Lê vào Ý Yên cải táng cho bố, đưa hài cốt về quê rồi trao cho cha Đa minh Kiên , cha đã lập tờ chứng rồi cho táng tại gian thứ ba Nhà Thờ Đức Bà Rosa Báo Đáp.

Năm 1866, Đức cha Barnaba Cezom Khang, Giám mục địa phận Trung đã lập hồ sơ án tích đệ về Toà Thánh. Hồ sơ đã được bộ Phong Thánh   tra xét tỉ mỉ, bộ Phong Thánh đã ghi danh  và tuyên phong Phê rô Lê Thế Tịch  lên hàng Tôi tớ Chúa ( Servus Dei)  là một trong bốn bậc của  một vị Thánh.

Năm Đinh Tị 1917, Cha Eugienio Andres Kiên cùng cộng đoàn giáo xứ Báo Đáp,  đã di dời hài cốt ông về táng tại mộ phần Các Thánh trong khuôn viên Nhà Thờ Mình Thánh. Nay là Đền Thánh Thánh Thể Báo Đáp.

Trích lục hồ sơ án tích của Đấng Tôi tớ Chúa Phê rô Lê  Thế Tịch. Hiện đang lưu giữ tại Toà Giám mục Bùi Chu và Bộ Phong Thánh, Toà Thánh Rôma

Tác giả: Ban Truyền Thông

Nguồn tin: Kỉ yếu Báo Đáp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây