ĐẤNG TÔI TỚ CHÚA PHÊ RÔ LÊ VĂN KÌNH

Thứ ba - 25/02/2025 23:23
“ Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.” ( Tv.125,5-6. ) I.TRUYỆN CÁC ĐẤNG TỬ ĐẠO LÀNG BÁO ĐÁP. An tôn Vũ Minh Yến Biên soạn (Viết theo “Hồ sơ án tích các đấng Tử đạo Bùi Chu.” )
TU DAO
TU DAO

Phê rô Lê Văn Kình sinh năm Bính ngọ tại Hóp Đông, xã Báo Đáp Tổng Hư Tả, huyện Thượng Nguyên, phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Định. Nay là  xóm 3, làng Báo Đáp xã Hồng Quang, huyện Nam Trực tỉnh Nam Định.

Cậu là con trai thứ hai của ông bà Lê Thế Tịch, ngay từ nhỏ cậu đã dược sống trong một gia đình đạo hạnh, mẹ cậu thường uốn nắn từng câu, từng chữ trong toàn niên kinh nguyện và kinh bổn. Thời ấy, Cụ Rụ hay về làm phúc ở Nhà Thờ Đức Bà, Ngài thường khen và ban thưởng cho cậu. Cậu rất khoẻ mạnh, học hành tấn tới. Bố cậu thường hãnh diện:

- Đúng là cá kình của bố, con phải cố gắng học hành cho giỏi, văn võ kiêm toàn, mai sau làm cho gia đình rạng rỡ.

Nhưng rồi năm Phê rô Kình 13 tuổi, mẹ cậu vì ốm nặng mà qua đời, cậu đau đớn vô cùng, càng nhớ thương mẹ, cậu càng vâng lời bố và anh, yêu thương các em.

Hôm ấy đến phiên Phê rô Kình giúp lễ, cậu đến nhà thờ sớm để sửa soạn. Bỗng thấy một toán người, kẻ tay thước, người tay đao ập vào Nhà Thờ vây bắt cụ Rụ. Thế là, vụt một cái, Phê rô Kình chạy lối sau ra đường, miệng hô lớn:

- Làng nước ơi! Tổng Tràng bắt cụ nộp quan.

Dân làng thấy động liền ùa ra đánh tháo, cụ Rụ sợ quan về bắt vạ dân, nên cụ đành rời khỏi xứ.

Nỗi đau vì mất mẹ cộng với sự đạo bị cấm cách, làm cho cậu thiếu niên cảm thấy nặng nề, nhưng cậu không yếu đuối, mà mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn.

Ngày 2 tháng 8 năm Tân dậu 1861, quan quân về vây làng, cậu bị bắt đến nhà lý trưởng với bố và anh, thấy bố xin quan cho anh được tại ngoại, Phê rô Kình mừng lắm, cậu nói với bố:

- Hay lắm , bố xin cho anh Hịch ở lại trông nom các em. Bố và con yên trí mà đi.

Rồi cậu quay lại nói với các em:

- Ở nhà, các em phải nghe lời anh cả. Nhớ đọc kinh tối sớm cầu nguyên cho bố và anh.

Mắt nhoà lệ, nhưng cậu hiên ngang bước theo bố lên tỉnh. Ngày 3 tháng 8 năm Tân dậu 1861, mờ sáng đã có lệnh bắt mọi người đi phân sáp, hai bố con mỗi người phải đi mỗi nơi. Sau khi nghe bố dặn dò, cậu khóc rấm rức, gạt nước mắt cậu thưa với bố:

- Bố ơi! con xin ghi nhớ lời bố dặn. Xin bố cầu nguyện cho con, để con được ơn bền đỗ đến cùng.

Phê rô Kình phải phân sáp tại xã An Tố, tổng An Cừ, phủ Nghĩa Hưng, huyện Ý An ( Ý Yên ),tỉnh Nam Định. Cậu trẻ tuổi, mạnh khoẻ, nhanh nhẹn,có học lại ăn nó lễ phép nên cai ngục cũng quí không làm khó dễ.

Ngày 11 tháng 5 năm Nhâm tuất 1862, Phê rô Kình bị điệu ra trước cửa huyện Ý An cùng với một số người khác, vừa tới nơi,  nhìn thấy bố, cậu chạy lại gọi to:

- Bố.

Thế rồi nước mắt giàn giụa, hai bố con chẳng kịp nói lời gì, quan đã bắt hai bố con phải quá khoá ngay. Quan có ý lấy bố để lung lạc con, lấy con để ép buộc bố. Thế nhưng, hai bố con cậu thật tâm đầu ý hợp, thấy bố đi, cậu đi theo, thấy bố quì cầu nguyện, cậu cũng chắp tay quỳ gối và đọc kinh theo. Thấy bố xưng đạo, ca tụng Chúa, cậu hớn hở hợp ý.

Quan liền sai lính lôi cậu ra dụ dỗ cậu quá khoá, cậu vụt đứng dậy chững chạc nói:

- Thưa quan lớn, quan thờ vua thế nào, thì tôi thờ Chúa tôi như vậy. Tôi và bố tôi nhất quyết lấy mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Xin quan đừng ép buộc tôi.

 Quan sai lính giải ông Phê rô Tịch về trại và giao Phêrô Kình cho lính đưa đi hành quyết. Trên đường cậu chợt nhìn thấy người anh,  liền nhắn nhủ:

- Anh Hịch ơi, cố gắng chăm nuôi các em nhé. Em đi chịu chết vì đạo đây.

Tới nơi xử, cậu nghiêm trang chắp tay, rồi quỳ gối , cúi đầu và cầu nguyện. 

Ngọn đao lý hình vừa vung lên, mặt Phê rô Kình như sáng lên. Một tấm lòng thanh khiết, một của lễ tinh tuyền không vương chút bụi trần vĩnh viễn dâng lên Đấng tối cao.

Phê rô Lê Văn Kình tử đạo lúc vừa tròn 16 tuổi. Phê rô Hịch được phép quan cho nhận xác em và đem an táng gần đó.

Ngày 2 tháng 11 năm Bính dần 1866, ông Lê Văn Hịch, ông Lê Văn Thận và con cháu họ Lê sang Ý Yên cải táng rồi đưa hài cốt ông về quê, trao lại cho cha Đaminh Kiên, cha đã lập tờ chứng rồi cho an táng tại gian thứ ba nhà thờ Đức Bà Rosa Báo Đáp.

Năm 1866, Đức cha Barnaba Cezom Khang, Giám mục địa phận Trung đã lập hồ sơ án tích đệ về Toà Thánh. Hồ sơ đã được bộ Phong Thánh   tra xét tỉ mỉ, bộ Phong Thánh đã ghi danh và tuyên phong  Phê rô Lê Văn Kình  lên hàng Tôi tớ Chúa ( Servus Dei)  là một trong bốn bậc của  một vị Thánh.

Năm Đinh tị 1917, cha Eugienio Andres Kiên cùng cộng đoàn di táng hài cốt ông cùng 4 vị tử đạo về an táng tại mộ các Thánh trong khuôn viên nhà thờ Mình Thánh nay là Đền Thánh Thánh Thể Báo Đáp.

  Lời kể của thân nhân về 2 đấng Tôi Tớ Chúa Họ Lê .

 (Ghi theo lời kể của cụ  Lê Đình Nhiếp. Tức cụ phó Xếp).

“Lúc bình sinh, ông tôi ( cụ Lê Văn Ưng)  kể về 2 Đấng Tử Đạo họ Lê là cụ Phê rô Lê Thế Tịch và con là Phê rô Lê Văn Kình. Sau khi bị hành quyết ở Ý An, hai cha con cùng được chôn cất một chỗ tại bãi tha ma làng Cổ Đam, thời bấy giờ chẳng có bia ghi tên gì cả. Ông phó Hịch sau làm trùm cả, vì là bố con, nên nhớ chỗ chôn. Khi vào Cổ Đam cải táng ông được dân làng Cổ Đam cho biết: Trâu làng Cổ Đam thường gặm cỏ ở bãi tha ma, hễ dẵm lên mả hai ông, thì trâu liền bị què, họ phải đem hương hoa ra cúng mới khỏi. Nhiều lần trâu làng ấy bị như vậy, dân làng bèn nghĩ ra cách, lấy bốn khúc gỗ cắm bốn góc mả hai ông, rồi rào chung quanh cho trâu khỏi bước vào mả các Ngài, mả rào rồi thì trâu bò không bước lên được nữa, nên cỏ mọc rậm hơn và non hơn.

Một ngày kia, có con bò thấy mả hai ông cỏ tốt, nó liền đưa lưỡi vào rứt cỏ ăn, tự nhiên ngã lăn  nằm xùi bọt mép, thấy thế, bọn mục đồng liền về gọi chủ, họ liền đem hương hoa ra cúng thì con bò ấy mới đứng dậy được.

Khi vào cải táng và đem hài cốt hai Đấng về quê, ông trùm Hịch lấy một đốt xương ngón tay bố đem về nhà, vậy mà ngay đêm ấy, sấm sét động địa cả nhà, sớm hôm sau, ông phải đưa đốt xương trả lại tiểu thì nhà cửa mới yên.

Lại còn gỗ ván hai ông, anh em bà con chia nhau mỗi người một ít, Cụ chánh Ưng thì đem về gói vào giấy và treo  ở gác trong buồng. Tối thứ sáu Tuần Thánh, cả nhà đi nghe ngắm và xem táng xác, chỉ có một mình bà chánh ở nhà, mà bà chánh thì lại mới về làm dâu, thấy vắng vẻ, bà chánh liền cầm cỗ tràng hạt và đọc kinh, khi ấy bà liền thấy có một mùi hoa huệ thơm sực nức, ra sân xuống bếp vẫn ngửi thấy mùi hoa huệ thơm ấy mãi, bà mở cổng chạy ra đường mới hết. Lúc cả nhà đi xem táng xác về, bà mới kể lại cho mọi người nghe, ai cũng nói đó là phép lạ của hai ông Thánh Tử Đạo. Bà chánh còn cho biết: Tuy ở nhà một mình thấy vậy, mà tâm hồn rất bình an, chẳng sợ hãi chút nào”.

Trích lục hồ sơ án tích của Đấng Tôi tớ Chúa Phê rô Lê  Văm Kình. Hiện đang lưu giữ tại Toà Giám mục Bùi Chu và Bộ Phong Thánh, Toà Thánh Rôma.

Tác giả: Ban Truyền Thông

Nguồn tin: Kỉ yếu Báo Đáp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây