Bạn có biết các ý chính của kinh nguyện Thánh Thể
Trong Thánh lễ theo nghi thức Công Giáo Latinh - là nghi thức Thánh lễ phổ biến nhất và hầu như là duy nhất mà tất cả chúng ta quen thuộc, đoạn chúng ta quỳ dài nhất là phần "Kinh nguyện Thánh Thể". Kinh nguyện này bắt đầu sau kinh "Thánh, Thánh, Thánh" và kết thúc với câu "Chính nhờ Người, với Người và trong Người...", trong đó có phần rất quan trọng là lời truyền phép. Nhưng bạn có biết kinh nguyện luôn đọc khi quỳ này gồm những ý nào?
Chúng ta thường chỉ quen với kinh nguyện Thánh Thể bắt đầu bằng câu "Lạy Chúa, Chúa thật là Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện" - đây là kinh nguyện Thánh Thể II, được đọc thường xuyên vì là kinh nguyện Thánh Thể ngắn nhất. Thực tế, trong Sách lễ Rôma, Giáo Hội có tổng cộng 13 kinh nguyện Thánh Thể khác nhau. Trong một số lễ trọng, đôi khi chúng ta nghe kinh nguyện Thánh Thể hơi lạ, bắt đầu với câu "Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng Thánh, và muôn vật Chúa đã tạo thành đều phải ca ngợi Chúa" (Kinh nguyện Thánh Thể III) hoặc "Lạy Cha rất nhân từ, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận và ban phúc" (Kinh nguyện Thánh Thể I). Giữa các kinh nguyện Thánh Thể này, kinh nguyện I chính là bản dịch của kinh nguyện mà các cha đọc trong Thánh lễ tiếng Latinh ngày xưa.
Kinh nguyện Thánh Thể, cũng như hầu hết lời nguyện khác trong Thánh lễ, là lời cầu nguyện hướng về Thiên Chúa Cha - nghĩa là khi đọc "Lạy Chúa..." thì Ngôi Thiên Chúa được kêu cầu ở đây là Chúa Cha. Vì vậy, khi kết thúc lời nguyện, Chúa Giêsu được nhắc đến trong tư cách là "Con Chúa" - "Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, là Con Chúa và là Chúa chúng con".
Kinh nguyện Thánh Thể tuy dài và khác nhau, nhưng chung quy đều cầu xin 5 ý chính yếu sau:
- Xin Chúa Cha ban ơn Chúa Thánh Thần thánh hoá lễ vật để trở nên Mình Máu Chúa Kitô, và xin Người chấp nhận lễ vật tưởng niệm Chúa Con đã chịu chết và sống lại
- Cầu cho Hội Thánh Kitô giáo được hiệp nhất ("Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô thì được quy tụ nên một...")
- Cầu cho Hội Thánh được thánh thiện và trung thành với hàng giáo phẩm ("Xin Chúa nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến...")
- Cầu cho các linh hồn luyện ngục ("Xin Chúa nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ...")
- Cầu cho những người tham dự Thánh lễ được lên thiên đàng, hưởng hạnh phúc cùng Đức Mẹ và các thánh ("Chúng con nài xin Chúa thương xót tất cả chúng con, cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời...")
Đây là các ý chỉ cổ truyền, được lưu truyền từ thời các Thánh Tông đồ đến nay. Kinh nguyện Thánh Thể I phản ánh rõ nhất truyền thống Tông đồ, tương truyền là được chính Chúa Giêsu truyền lại cho các Tông đồ.
Tuy kinh nguyện Thánh Thể là lời cầu nguyện dành riêng cho các linh mục đọc khi dâng lễ, giáo dân vẫn nên cầm lòng cầm trí cầu nguyện theo các lời ấy để kinh nguyện thật sự sinh ích cho bản thân người tham dự. Dựa vào các ý chỉ trên, chúng ta hiểu Giáo Hội ưu tiên cầu cho những điều gì và có thể đưa các ý trên vào lời cầu nguyện hằng ngày của mình
Nguồn tin: ICD
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn